Ngành học
18/11/2021
Học Vật lý nguyên tử và hạt nhân, bạn không cần lo lắng ra trường làm gì, mức lương và cơ hội thăng tiến ra sao bởi đây là ngành khoa học trọng tâm hàng đầu không chỉ ở Việt Nam.
Công nghệ hạt nhân là ngành khoa học giàu tiềm năng phát triển nhưng cả nước chỉ mới có vài đơn vị đào tạo. Điều này dẫn tới sự thiếu hụt nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao trong thời gian sắp tới khi nhu cầu với Vật lý nguyên tử và hạt nhân được đầu tư tương xứng với giá trị của ngành.
Chương trình đào tạo tập trung vào các lĩnh vực đang và sẽ có nhu cầu cao như phản ứng hạt nhân, điện hạt nhân, lò phản ứng. Đồng thời, bạn có kiến thức về ứng dụng vật lý hạt nhân trong nhiều lĩnh vực quan trọng như y tế, công nghiệp, nông nghiệp, nghiên cứu vật liệu, xử lý rác thải... Riêng trong lĩnh vực y tế, chương trình đào tạo sẽ cung cấp cho sinh viên kiến thức về kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh bằng X-quang, kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh y học hạt nhân, kỹ thuật xạ trị.
Sau khi tốt nghiệp, bạn có thể sử dụng các ứng dụng của Vật lý nguyên tử và hạt nhân trong đa lĩnh vực. Đặc biệt, có thể giải quyết các vấn đề kỹ thuật tại nhà máy điện hạt nhân, lò phản ứng, bệnh viện. Đồng thời, người học có thể tham gia nghiên cứu cũng như có nền tảng vững chắc để tiếp tục học lên bậc cao hơn.
Ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân còn rất ít cơ sở đào tạo nên số lượng cử nhân, kỹ sư tốt nghiệp không nhiều. Trong khi nhu cầu nhân lực trong nước và trên thế giới ngày càng tăng thì công nghệ hạt nhân ở Việt Nam vẫn thiếu rất nhiều nhân lực ở mọi trình độ.
Nước ta cũng đang từng bước phát triển hệ thống năng lượng hạt nhân phục vụ công nghiệp và sản xuất. Mới đây, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam đã có kiến nghị lên Quốc hội, Chính phủ đề nghị xem xét vấn đề điện hạt nhân trong Quy hoạch điện VIII, giữ nguồn nhân lực, cơ sở vật chất về điện hạt nhân.
Mức độ tiêu thụ điện hiện nay của Việt Nam còn chưa cao, chỉ 2.232 kWh, thấp hơn mức trung bình của thế giới (khoảng 3.100 kWh). Tuy nhiên, việc phát triển nguồn điện ở nước ta lại gặp nhiều khó khăn khi tiềm năng thủy điện không còn, điện than không đủ nguyên liệu, ô nhiễm môi trường, năng lượng tái tạo công suất còn thấp…
Năng lượng hạt nhân nói riêng và vật lý nguyên tử hạt nhân nói chung chắc chắn là xu hướng của tương lai. Trong đó, nguồn nhân lực là chìa khóa thành công của chương trình điện hạt nhân. Theo Tổ chức Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (International Atomic Energy Agency - IAEA) nhân lực cần cho nhà máy điện hạt nhân công suất 2.000 MW là khoảng 1.000 người có trình độ đại học, cao đẳng.
Việc đào tạo nguồn nhân lực này cần có sự chuẩn bị trước hàng chục năm, thậm chí hơn. Với tốc độ đào tạo hiện nay của các trường, mỗi năm có được hơn 100 sinh viên ra trường như vậy, trong tương lai ngành này sẽ thiếu nguồn nhân lực trầm trọng.
Không nhất định học Vật lý nguyên tử và hạt nhân thì phải làm việc trong nhà máy hạt nhân. Các cử nhân, kỹ sư tương lai có rất nhiều lựa chọn ngành nghề đa dạng nhờ ứng dụng rộng khắp của vật lý hạt nhân. Bạn có thể làm việc trong lĩnh vực sinh học và năng lượng hạt nhân, y học, nông nghiệp, công nghiệp thậm chí là thiên văn, vũ trụ học.
Bạn có thể làm việc tại Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Viện Năng lượng, viện nghiên cứu, dự án điện hạt nhân, bệnh viện, công ty, trường cao đẳng, đại học có môn học liên quan đến vật lý hạt nhân. Sau đây là một số vị trí cụ thể bạn có thể tham khảo:
Về mức lương của ngành Vật lý nguyên tử và hạt nhân hiện tại chưa có quy định cụ thể. Nếu bạn làm việc trong cơ quan nhà nước, trường đại học công sẽ được tính theo hệ số lương cho công viên chức. Trường hợp làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở tư nhân thì mức lương thông thường cho kỹ sư mới ra trường hiện nay là 7 - 10 triệu đồng/tháng. Đồng thời Chính phủ cũng cho phép những người làm việc trong lĩnh vực Vật lý nguyên tử và hạt nhân được hưởng phụ cấp từ 30 - 70% mức lương được nhận.
Tại Mỹ, theo thống kê năm 2020 của US News, trung bình, mức lương khởi điểm cho sinh viên Vật lý nguyên tử và hạt nhân mới ra trường là 62.000 USD/năm (khoảng 1,4 tỷ đồng). Đây là một trong những ngành học cực kỳ “hot” và được săn đón tại các nước phát triển. Nếu bạn có ngoại ngữ tốt thì làm việc ở nước ngoài cũng là lựa chọn cực kỳ hấp dẫn. Hơn nữa, sau khi làm việc ở nước ngoài và quay lại Việt Nam, bạn sẽ có mức lương cũng như đãi ngộ tốt hơn nhờ kinh nghiệm làm việc phong phú của mình.