Ngành học

“Cơn khát” nhân sự ngành Vạn vật kết nối (IoT)

09/11/2021

Không chỉ là xu thế công nghệ mới có ứng dụng đa dạng trong nhiều lĩnh vực, Vạn vật kết nối - Internet of Things (IoT) đang trở thành ngành “hot” mở ra cơ hội nghề nghiệp hấp dẫn trong thời đại cách mạng 4.0. 

Các chuyên gia có kinh nghiệm cũng tham gia nghiên cứu IoT vì không muốn mình bị lạc hậu. Còn những bạn trẻ tuổi cũng háo hức học IoT để bắt đầu khởi nghiệp, hoặc để có một công việc tốt hơn trong tương lai. 

Cơ hội phát triển sự nghiệp với ngành Vạn vật kết nối

Theo Cục Thống kê Lao động Mỹ, tỷ lệ tăng trưởng cho các công việc liên quan đến công nghệ và máy tính dự kiến sẽ tăng 12% từ năm 2014 đến năm 2024 và bổ sung thêm 488.500 việc làm mới, nhanh hơn mức tăng trưởng trung bình cho tất cả ngành nghề khác. Doanh nghiệp trong mọi lĩnh vực đang cố gắng đưa IoT vào sử dụng trong chiến lược kinh doanh của mình một cách hiệu quả. 

Vì vậy trong tương lai, nhu cầu về nguồn nhân lực giúp thực hiện và triển khai công nghệ mới này là rất lớn. Hiện tại, số lượng dự án, việc làm về các mảng công nghệ mới như IoT, AI, Bigdata đang tăng lên rất nhanh và có mức lương khởi điểm cao hơn so với các lĩnh vực công nghệ khác. 

 

Ở Việt Nam, nhu cầu nhân lực chất lượng cao ngành Công nghệ thông tin nói chung và lĩnh vực IoT nói riêng trong vòng 20 năm tới được xác định với quy mô lên tới hàng triệu kỹ sư. Cơ hội nghề nghiệp rộng mở trước mắt các kỹ sư tương lai khi thời gian vừa qua, lĩnh vực này đã thu hút sự quan tâm đầu tư phát triển rất lớn của các tập đoàn viễn thông và công nghệ thông tin trong nước và quốc tế như: Viettel, VNPT, Mobifone, FPT, Samsung, Intel, Microsoft, IBM, Google…

Học ngành Vạn vật kết nối làm nghề gì?

Các kỹ sư tốt nghiệp chuyên ngành IoT có thể đảm nhiệm các công việc như:

  • Làm việc trong các doanh nghiệp phần mềm và điều khiển tự động với vị trí: lập trình viên, chuyên viên phân tích và hệ thống, chuyên tư vấn và thiết kế hệ thống IoT…
  • Làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước với vị trí: chuyên viên phân tích và tư vấn, quản lý dự án phát triển, chuyên viên triển khai dự án IoT…
  • Tự khởi nghiệp trong lĩnh vực lập trình hệ thống nhúng, điều khiển tự động, kinh doanh thiết bị và giải pháp, triển khai giải pháp IoT…

Nơi làm việc:

  • Các cơ sở nghiên cứu, phát triển nền tảng, thiết bị thông minh và IoT. 
  • Các đơn vị cung cấp dịch vụ, giải pháp mạng, hạ tầng mạng cho hệ thống thông minh và IoT (Viettel, VNPT, FPT…).
  • Các doanh nghiệp kinh doanh thiết bị, giải pháp IoT.
  • Các cơ quan nhà nước, nước ngoài về lĩnh vực: nông nghiệp, điện lực, ngân hàng, y tế, giao thông, quốc phòng, an ninh.
  • Các công ty phần mềm (FPT Software, VNPT Software…).

 

IoT là một ngành nghề mới, vấn đề thiếu hụt nhân sự có kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực này ngày càng gia tăng, chính vì vậy mà các chuyên gia trong lĩnh vực IoT thường sẽ có mức lương được chi trả cao hơn so với những ngành khác.

Những lưu ý để thành công với ngành Vạn vật kết nối 

Ngành IoT này phù hợp với những bạn có đam mê tìm tòi, khám phá, thử nghiệm các thiết bị mới. Bạn sẽ cảm thấy rất hứng thú vì có nhiều thứ để học, rất nhiều ứng dụng cụ thể vào đời sống hàng ngày, có thể nhìn thấy được. Tuy nhiên, để theo đuổi và thành công trong lĩnh vực này, các bạn cần lưu ý đến những điều sau:

  • Sẽ có lợi thế nếu học giỏi các môn: Toán, Phần cứng máy móc – thiết bị, Phần mềm máy tính, có kiến thức về mạng viễn thông, cảm biến không dây, lập trình nhúng. 
  • Có kỹ năng và khả năng đưa ra lý luận, sắp xếp thông tin, suy nghĩ khoa học, giải quyết vấn đề, phân tích hệ thống và lập trình, luôn lắng nghe và ham học hỏi, khả năng tự học các công nghệ mới có liên quan.
  • Có đam mê với việc tìm hiểu, khám phá, phân tích và chế tạo ra các thiết bị cũng như hệ thống IoT, có khả năng ứng dụng vào đời sống hàng ngày.
  • Có tinh thần tự học: Vô vàn các khóa học online đào tạo về kiến thức và kỹ năng liên quan đến mạng lưới IoT, bạn nên tự tìm hiểu một số khóa học liên quan có thể bổ sung và trau dồi kiến thức cho mình để không bị tụt lại so với tốc độ phát triển của ngành, đặc biệt là lĩnh vực công nghệ.
  • Tự thực hành: Trong thực tế, có rất nhiều không gian, mạng xã hội cũng như cộng đồng hỗ trợ cho mọi người trong việc sản xuất, kiểm nghiệm các sản phẩm liên quan đến IoT và giúp tự phát triển xây dựng một hệ thống của riêng mình. Điều bạn cần làm đó chính là tự trau dồi kiến thức và kinh nghiệm cũng như bắt tay vào thực hiện dự án của mình.

 

Bài viết này đã giúp chúng ta có được hình dung rõ ràng về những gì bạn có thể thực hiện trong tương lai đối với ngành Vạn vật kết nối (IoT). Nếu còn băn khoăn về sự phù hợp của bản thân với ngành học hấp dẫn này, bạn có thể tham gia Chương trình giáo dục hướng nghiệp cùng Rightpath.edu.vn hoàn toàn miễn phí để được các chuyên gia tư vấn hỗ trợ khai phá và định hướng nghề nghiệp phù hợp với bản thân mình nhé!


Tags: