Ngành học
18/11/2021
Ngành Triết học có gì khác với Triết học đại cương? Học Triết học thì được gì và cần những tố chất gì để trở thành một sinh viên Triết học tài ba?
Khi nhắc đến Triết học, chúng mình vẫn hay nghĩ đó là môn học đầy lý thuyết khó hiểu và “học cũng chẳng để làm gì”. Thực tế, Triết học là nền tảng để xây dựng, mở rộng thành nhiều môn khoa học khác. Nếu bạn tự hỏi “mình là ai, mình thích gì” khi băn khoăn chọn trường, chọn ngành thì đấy cũng là một câu hỏi Triết học rất căn bản rồi đấy!
Ngày nay, tầm quan trọng của Triết học ngày càng được chú trọng và thu hút nhiều sự quan tâm hơn. Triết học không chỉ gói gọn trong Các Mác (Karl Marx) hay Ăng-ghen (Friedrich Engels) mà còn rất nhiều tư tưởng, nhiều triết gia thông thái. Vậy thì ngành Triết học có gì khác với Triết học đại cương? Học Triết học để làm gì? Ngành có yêu cầu gì với người học? Rightpath.edu.vn mời bạn cùng tìm hiểu từng vấn đề trong bài viết bên dưới nhé.
Triết học là ngành học đã phát triển và được chú trọng từ rất lâu trên thế giới. Ở Việt Nam, Triết không phải ngành học mới nhưng chỉ thực sự khởi sắc trong những năm gần đây. Có thể bạn không tin nhưng thời đại chuyển đổi số thực sự đặt ra nhiều câu hỏi cần đến Triết học để trả lời. Chẳng hạn, để định nghĩa về trí thông minh nhân tạo thì cần trả lời câu hỏi Triết học về “trí thông minh là gì”. Hay liên quan đến ranh giới đạo đức trong nghiên cứu cũng là các vấn đề đã được bàn luận rất nhiều trong Triết học.
Triết học nảy sinh từ chính đời sống con người. Không một ngành nào không có sự xuất hiện của Triết học và vì thế ai cũng nên biết ít nhiều về lĩnh vực này. Từ chính trị, văn hóa, xã hội đến đạo đức… đâu đâu cũng cần đến những định hướng chung từ Triết học. Như Các Mác đã nói: “Triết học không treo lơ lửng bên ngoài thế giới, cũng như bộ óc không tồn tại bên ngoài con người”.
Triết học thực sự là ngành học khó. Lượng kiến thức, lý luận từ các triết gia đi trước vô cùng rộng khắp, đôi khi trừu tượng và khó hiểu. Không ít người từ bỏ nghiên cứu sâu về Triết học vì sự “khó nhằn” này. Đổi lại, Triết học chứa cả kho tàng tri thức và mang đến những kỹ năng thiết yếu trong cuộc sống lẫn công việc sau này cho bạn.
Vậy, thực chất Triết học có vai trò như thế nào trong đời sống con người hay nói cách khác, người ta cần gì ở Triết học?
Trước hết, phải nhắc bạn rằng Triết học không phải môn dạy nghề. Nghĩa là Triết không dạy một kiến thức chuyên ngành của nghề nghiệp cụ thể nào. Triết học dạy kỹ năng then chốt, rất căn bản nên thường bị bỏ quên: kỹ năng tư duy.
Suy nghĩ điều gì đó như “ngày mai ăn gì” thì rất dễ nhưng để suy nghĩ thấu đáo về một vấn đề quan trọng như “chọn ngành nào” thì không hề dễ dàng đúng không. Người học Triết học được dạy cách chọn lọc và phân tích thông tin, đưa ra lập luận thuyết phục, trình bày rõ ràng, logic… Đây chính xác là những kỹ năng “vàng” mà bất kỳ nhà tuyển dụng, bất kỳ ngành nghề nào cũng cần đến. Vẫn là Các Mác đã nói: “Mọi Triết học chân chính đều là tinh hoa về mặt tinh thần của thời đại, là linh hồn sống của văn hóa...”.
Trong bối cảnh chuyển đổi số, cách mạng công nghiệp 4.0, hàng loạt các vấn đề mới tinh ra đời và đòi hỏi có những lý thuyết Triết học mới phù hợp. Có thể nói Triết học luôn song hành cùng sự phát triển của kinh tế, xã hội nên đây là ngành học không bao giờ cũ.
Chương trình đào tạo theo đó cũng cung cấp đầy đủ kiến thức từ cơ sở đến mở ra hướng tư duy mới. Những môn học tiêu biểu gồm: Đạo đức học, Logic hình thức, Các tôn giáo lớn trên thế giới, Lịch sử triết học Đông - Tây, Lịch sử triết học Mác - Lênin, Phương pháp giảng dạy Triết học, Các vấn đề Triết học về toàn cầu hóa…
Ngành Triết học có lượng tri thức đồ sộ, nội dung dày đặc nên sẽ đặc biệt thích hợp với các bạn thích đọc sách, tìm tòi nghiên cứu. Một điều thú vị khác là Triết học không phải môn học cho những tâm hồn mơ mộng như vài bạn lầm tưởng đâu. Triết học đòi hỏi người học có tư duy logic và khả năng lập luận chặt chẽ, khả năng phản biện mà không chỉ đơn thuần là học vẹt.
Để học tốt Triết học, bạn nên trang bị các kỹ năng:
Bạn đã thấy Triết học quan trọng chưa? Đừng ngần ngại nếu muốn theo đuổi lĩnh vực này. Hy vọng với những thông tin được chia sẻ trên đây, bạn đã hiểu và tự tin hơn với lựa chọn của mình. Nếu còn bất kỳ thắc mắc nào, bạn có thể liên hệ với chúng mình ở Rightpath.edu.vn để được tư vấn hướng nghiệp chi tiết nhất.