Ngành học

Vì sao người ta cần Triết học? Học Triết học ra trường làm gì?

18/11/2021

Đâu là lợi ích của ngành Triết học và học ra trường làm gì? Mức lương ra sao, có triển vọng nghề nghiệp hấp dẫn như các ngành khoa học tự nhiên, kinh tế không?

Triết học là cốt lõi, nền tảng chung của xã hội nhưng thường ít khi được chú trọng. Cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã làm nảy sinh nhiều vấn đề Triết học mới và cũng là lúc ngành Triết học bắt đầu được chú trọng ở nước ta. Đâu là lợi ích của Triết học và học ra trường làm gì? Mời bạn cùng theo dõi.

Người ta cần Triết học để làm gì?

Triết học là bộ môn ra đời từ rất lâu, xuất hiện ngay từ khi con người có tư duy. Khi người ta biết hỏi về bản chất cuộc sống, bản chất con người và vũ trụ thì Triết học ra đời. Việc hỏi tưởng như rất đơn giản nhưng đáp án đúng đến đâu thì phải xem cách đặt câu hỏi. Và hỏi đúng chính là kỹ năng mà bất kỳ ai cũng cần trong đời, nhất là khi bạn làm việc. Điều này được thể hiện trong phát biểu của triết gia Voltaire: “Khám phá ra điều gì đúng và thực hành điều gì tốt, đó là hai mục tiêu quan trọng nhất của Triết học”.

 

Thế nên, môn Triết học không hề nhàm chán hay thừa thãi. Triết học có ảnh hưởng sâu rộng lên đời sống mọi người, mọi tầng lớp, mọi nghề nghiệp trong xã hội. Bạn rất nên học Triết dù chỉ là môn học đại cương bởi Triết học rèn luyện tư duy biện luận, kỹ năng phân tích, đánh giá đa chiều, tư duy ngôn ngữ, tư duy logic, khả năng trình bày thuyết phục, giải quyết vấn đề… Bạn nghe quen thuộc chứ? Đúng vậy, đây chính là các kỹ năng mềm then chốt khi làm việc và tìm kiếm cơ hội thăng tiến trong mọi nghề nghiệp đấy.

Học Triết học ra trường làm gì?

Trên hết, điều tất cả các bạn học sinh lẫn phụ huynh quan tâm chính là cơ hội nghề nghiệp. Nếu Triết học là ngành khó, nhiều lý thuyết và không có kiến thức chuyên môn của một ngành nghề cụ thể thì có mông lung quá không? Học Triết học ra trường làm gì? Sau đây là một số vị trí công việc mà các bạn sinh viên ngành Triết học có thể đảm nhiệm ngay khi ra trường:

Giảng viên khoa Triết

Nếu bạn thích nghiên cứu và học tốt môn Triết cũng như muốn lan tỏa niềm yêu thích, kiến thức hữu ích tới mọi người thì đây là vị trí tuyệt vời. Thông thường, các sinh viên ưu tú sẽ được trường đại học giữ lại hoặc tạo điều kiện học cao hơn để đóng góp cho trường. Bạn cũng có thể thuyết giảng ở các trường, học viện chuyên về lĩnh vực chính trị như: Học viện Chính trị, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Học viện Tư tưởng Hồ Chí Minh (Học viện Báo chí và Tuyên truyền)...

Biên tập viên, phóng viên

Bạn có thể làm việc trong ngành xuất bản, phát hành sách hoặc trở thành phóng viên, nhà báo làm việc ở các cơ quan báo chí, tạp chí. Đồng thời vị trí phát thanh viên, biên tập tại đài phát thanh cũng là cơ hội việc làm hấp dẫn. 

Điển hình là biên tập viên Ngọc Trinh tại Đài Truyền hình Việt Nam, kênh VTV1. Trước đây, Ngọc Trinh là sinh viên Khoa Lý luận, Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Đây là ngành học liên quan rất nhiều đến môn Triết học.

Cán bộ, công viên chức nhà nước 

Bạn sẽ tham gia phân tích, đánh giá, đưa ra biện pháp và quy trình xử lý những vấn đề còn gây nhức nhối ở xã hội. Bạn cũng có thể trở thành chuyên gia nghiên cứu về Triết học, cố vấn về tôn giáo cho Đảng, Nhà nước.

 

Thậm chí không ít sinh viên sau khi ra trường đã tự khởi nghiệp kinh doanh hoặc làm việc trong nhiều lĩnh vực tưởng chừng chẳng liên quan tới Triết học như: Bất động sản, bảo hiểm, ngân hàng, du lịch... Bởi các kỹ năng học được ở trường giúp bạn dễ dàng đảm nhận công việc phân tích, thương lượng, đàm phán, lên kế hoạch hoạt động hay soạn thảo hợp đồng, văn bản cho công ty, doanh nghiệp.

Mức lương cho cử nhân Triết học

Một điều bất ngờ là triển vọng nghề và lương thưởng của các cử nhân ngành Triết cao hơn mặt bằng chung. Theo một nghiên cứu của Jane Wells cho Yahoo Finance, việc phân tích từ các trang website tài chính khác nhau cho thấy người có trình độ về khoa học xã hội, đặc biệt là sinh viên Triết học được trang bị đầy đủ “vũ khí” sắc bén cho các công việc hấp dẫn nhất.

Cử nhân ngành Triết học nằm trong top 4 những ngành có mức lương trung bình cao nhất ngay sau khi ra trường. Đặc biệt, sinh viên học tốt Triết học cũng là nhóm có mức tăng trưởng lương cao nhất trong nửa đầu sự nghiệp. Con số ấn tượng cho một ngành học vốn bị định kiến là lý thuyết suông, khô khan đúng không nào.

Tại Việt Nam, với các tân cử nhân thì công việc ở cơ quan nhà nước có mức lương 6 - 7 triệu đồng/tháng. Nếu làm việc trong tổ chức phi chính phủ, doanh nghiệp trong và ngoài nước thì lương khởi điểm thường là 9 - 10 triệu đồng/tháng hoặc cao hơn nếu bạn có ngoại ngữ tốt.

 

Trên đây là toàn bộ những thông tin cụ thể, chi tiết liên quan đến ngành Triết học và trả lời cho câu hỏi “ngành Triết học ra trường làm gì”. Rightpath.edu.vn hy vọng những bạn học sinh thích thú với Triết học không còn lo lắng khi chọn ngành này.


Tags: