Cơ hội việc làm của sinh viên tốt nghiệp ngành Tôn giáo học
18/11/2021
Sinh viên Tôn giáo học sau khi ra trường sẽ công tác tại đâu, đảm nhận vị trí nào và phát triển sự nghiệp ra sao? Hãy cùng Rightpath.edu.vn tìm hiểu trong bài viết dưới đây.
Rất nhiều bạn trẻ quan tâm tới ngành Tôn giáo học hiện vẫn đang phân vân khi chưa nắm rõ sau khi ra trường sẽ công tác tại đâu? Và cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp sẽ như thế nào?
Tôn giáo học – ngành đặc thù ít người biết
Tôn giáo học là ngành đào tạo đi đầu trong việc cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao chuyên nghiên cứu, quản lý và giải quyết các vấn đề liên quan tới lĩnh vực tâm linh và tôn giáo.
Các tân cử nhân Tôn giáo học sẽ góp phần truyền bá những tri thức khoa học về tôn giáo cũng như đường lối chính sách của Đảng, Nhà nước về các vấn đề liên quan tới lĩnh vực này. Từ đó, những điều này sẽ góp phần phục vụ cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của đất nước một cách bền vững, nhân văn.
Dù vậy, hiện nay nhiều thí sinh yêu thích nghiên cứu tôn giáo, văn hóa, tín ngưỡng vẫn còn khá mơ hồ về ngành Tôn giáo học. Đa phần các bạn chưa nắm được giá trị của ngành học, cơ hội việc làm sau khi ra trường và khả năng tạo dựng sự nghiệp ổn định ở lĩnh vực này. Điều đó khiến không ít bạn bỏ lỡ cơ hội đăng ký thi tuyển vào các trường đào tạo Tôn giáo học dù bản thân rất phù hợp với ngành này.
Ai phù hợp với ngành Tôn giáo học
Là một ngành đặc thù, Tôn giáo học không dành cho số đông. Phải có được ít nhất 50% các tiêu chí dưới đây, bạn mới có thể tiến xa cùng ngành này:
Có sự yêu thích với tôn giáo và các khía cạnh liên quan như tâm linh, tín ngưỡng.
Từng tìm hiểu về các tôn giáo lớn trên thế giới như Phật, Kitô, Hồi, Do Thái, Hindu.
Xem xét, đánh giá tôn giáo trên cơ sở là một lĩnh vực khoa học xã hội có sự ảnh hưởng sâu rộng tới đời sống của con người và sự phát triển của đất nước.
Có mong muốn làm việc trong bộ máy quản lý nhà nước các cấp.
Có tinh thần cầu tiến cao, chịu khó học hỏi, kiên trì, nhẫn nại.
Biết cách giao tiếp, trình bày, thuyết phục bằng cơ sở khoa học tự nhiên, xã hội.
Có sự quan tâm đến các vấn đề chính trị, văn hóa, tôn giáo trong và ngoài nước.
Có tinh thần tự hào dân tộc cao, mong muốn góp sức cho sự phát triển bền vững của tổ quốc.
Độc lập, tự chủ trong công việc.
Biết cách đặt mục tiêu, lập kế hoạch và triển khai thực hiện.
Tư duy nhạy bén, sáng tạo.
Sinh viên tốt nghiệp ngành Tôn giáo học sẽ làm việc tại đâu?
Với số lượng chỉ tiêu đào tạo ít và nhu cầu nhân lực làm việc trong lĩnh vực tôn giáo ngày một tăng cao nên cơ hội nghề nghiệp của các sinh viên Tôn giáo học sau khi ra trường vẫn khá tốt với thu nhập ổn định và cơ hội thăng tiến khá rộng mở.
Theo Tiến sĩ Dương Hoàng Lộc, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tôn giáo, Trưởng Bộ môn Nhân học – Tôn giáo, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân Văn – Đại học Quốc gia TP.HCM thì các tân cử nhân Tôn giáo học có thể làm việc tại một trong những vị trí sau:
Làm công tác nghiên cứu Tôn giáo học ở các trường đại học, viện nghiên cứu hoặc trung tâm nghiên cứu và đào tạo về tôn giáo.
Công tác ở cơ quan quản lý tôn giáo các cấp từ trung ương đến địa phương.
Làm việc trong các cơ quan hành chính nhà nước như Ban Tuyên giáo, Ban Dân vận, Sở Nội vụ, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch, Mặt trận tổ quốc cũng như các đoàn thể chính trị khác.
Có thể làm việc tại các cơ quan hoạch định chính sách của Đảng và Nhà nước có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến lĩnh vực tôn giáo, văn hóa.
Tham gia giảng dạy tại những nơi đào tạo Tôn giáo học từ cấp cao đẳng, đại học.
Làm việc ở các Trường Chính trị tỉnh, Trường Đại học An ninh Nhân dân, hai Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM.
Làm nhân viên tư vấn văn hóa và tôn giáo cho các doanh nghiệp, tổ chức hoạt động có liên quan tới lĩnh vực này.
Công tác tại các doanh nghiệp du lịch, lữ hành hoạt động theo hướng tâm linh, tôn giáo.
Làm phóng viên, biên tập viên, nhà sản xuất chương trình về tôn giáo ở các cơ quan truyền thông, báo chí, truyền hình trong và ngoài nước.
Làm việc với các tổ chức phi chính phủ, tham gia các hoạt động nghiên cứu tôn giáo đa biên giới.
Ngoài ra, các cử nhân Tôn giáo học còn có khá nhiều cơ hội học lên ở các bậc cao hơn (thạc sĩ, tiến sĩ), trở thành các nhà khoa học, làm việc và thăng tiến phát triển lên nhiều vị trí cao tại các trung tâm/ viện/ cơ sở nghiên cứu về tôn giáo hàng đầu như: Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Viện Văn hóa, Trung tâm Văn hóa và Tín ngưỡng – Học viện Chính trị Hành Chính Quốc gia Hồ Chí Minh…