Ngành học

Tổng hợp từ A - Z về cơ hội việc làm của ngành Thiết kế đồ họa (Graphic Designer)

02/11/2021

Thiết kế đồ họa là một trong những ngành học được nhiều bạn trẻ theo đuổi hiện nay, cùng với sự phát triển của công nghệ và các phần mềm hỗ trợ cho ngành thiết kế ngày càng trở nên phong phú. 

Đây cũng là ngành học giúp các bạn trẻ thể hiện được cái tôi và thỏa sức sáng tạo, khiến ngành này lọt top những công việc có sức thu hút nhất hiện nay. 

 

Thiết kế đồ họa là gì?

Theo wikipedia: “Đồ họa là một lĩnh vực truyền thông trong đó thông điệp được tiếp nhận qua con đường thị giác. Thiết kế đồ họa là tạo ra các giải pháp bằng hình ảnh cho các vấn đề truyền thông”.

Trong đời sống của chúng ta, các nhà thiết kế đồ họa là những người sáng tạo, trau chuốt làm sao cho mọi sản phẩm trở nên đẹp đẽ và thu hút thị hiếu. Trong lĩnh vực thiết kế, xã hội càng phát triển thì ngành nghề này lại phát triển nhiều lĩnh vực để phù hợp với nhu cầu thị trường, trong đó: Thiết kế đồ họa 2D là công việc thiết kế các sản phẩm logo, nhận diện thương hiệu (như bao bì, brochure, catalogue, bao thư, folder…); thiết kế 3D, xử lý vật liệu, chất liệu; thiết kế nhân vật, bối cảnh cho phim hoạt hình hoặc game…

Xu hướng phát triển và nhu cầu nhân lực

Từ định nghĩa trên chúng ta có thể thấy các sản phẩm của thiết kế đồ họa gắn liền với nhu cầu sản xuất hàng hóa thương mại, phục vụ nhu cầu giải trí trong xã hội ngày nay. Do đó thiết kế đồ họa đóng vai trò ngày một quan trọng hơn, thu nhập đến từ ngành nghề này cũng có sự tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm gần đây.

Từ các công ty dịch vụ chuyên về lĩnh vực quảng cáo, thiết kế sáng tạo cho đến các vị trí trong doanh nghiệp lớn ngày càng gia tăng về nhu cầu nhân lực. Theo thống kê của We Are Social và Hootsuite, tính đến tháng 1/2021 tại Việt Nam: 70% dân số sử dụng Internet, 67% dân số sử dụng mạng xã hội và 150% dân số kết nối di động. Khi các nền tảng kỹ thuật số được phổ biến rất rộng rãi thì những sản phẩm đồ họa càng phát triển. 

 

Bên cạnh đó, lĩnh vực quảng cáo sở hữu khoảng 6.000 doanh nghiệp và doanh thu của ngành dự tính sẽ đạt 3,2 tỷ USD vào năm 2030 (theo Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam). Con số này cho thấy ngành quảng cáo dần trở nên quan trọng trong chiến lược kinh doanh của các thương hiệu, yếu tố thị giác quyết định sự thành công của hình ảnh doanh nghiệp. Chứng tỏ đây là một công việc đầy triển vọng tại thời điểm hiện tại và cả trong tương lai.

Mức lương và khả năng thăng tiến cho người làm nghề thiết kế đồ họa (Graphic Designer)

Lộ trình thăng tiến cho một Graphic Designer có thể phát triển như sau:

1. Graphic Designer Junior (sơ cấp)

Ở mức sơ cấp, công việc chủ yếu của bạn là vẽ bố cục, logo, chỉnh sửa kiểu chữ và màu sắc… Với cấp độ này đa phần là những bạn sinh viên thực tập hoặc mới tốt nghiệp, những nhân viên có dưới 1 năm kinh nghiệm đang tập trung chính vào việc học hỏi thêm kinh nghiệm.

2. Graphic Designer Midweight (trung cấp)

Công việc chính của nhân viên trung cấp trong ngành thiết kế đồ họa sẽ độc lập hơn, họ có khả năng làm việc với các khách hàng và tự lên ý tưởng, thiết kế hoàn chỉnh một sản phẩm. Họ có thể quản lý một nhóm Junior dưới họ và làm việc dưới sự giám sát của chuyên viên cấp cao. Đối tượng của vị trí này thường là các bạn nhân viên thiết kế đồ họa có kinh nghiệm từ 1-3 năm trong nghề. 

3. Graphic Designer Senior (cao cấp)

Với trình độ Senior, công việc sẽ bao gồm tất cả mọi thứ từ lên ý tưởng và thiết kế hoàn tất, việc gặp gỡ và trao đổi với khách hàng. Khi có từ 3-5 năm kinh nghiệm thì bạn có thể đáp ứng được nhu cầu tuyển dụng của Graphic Designer Senior. Bạn có thể phân công công việc cho các nhân viên cấp dưới để hoàn thành dự án mình phụ trách và chịu trách nhiệm báo cáo với các cấp quản lý.

4. Graphic Manager/ Designer (quản lý)

Ở cấp độ này, đòi hỏi phải có từ 5-7 năm kinh nghiệm và ngoài có năng lực thực sự thì còn phải có kỹ năng quản lý đội nhóm/ điều hành. Theo công việc có thể chia thành 3 kiểu quản lý như sau:

  • Studio Manager: Tương tự như vị trí Senior nhưng phải tập trung nhiều hơn trong việc quản lý và theo dõi tiến độ công việc. Có trách nhiệm tuyển nhân viên, rà soát các dự án, lên kế hoạch công việc và phân công cho người đủ năng lực đảm nhận.
  • Creative Director: Người nắm chức vụ này phải là người có nhiều ý tưởng hay và độc đáo giúp phát triển đội ngũ mạnh hơn nhằm đảm bảo công việc theo đúng tiến độ. Creative Director là người chịu trách nhiệm chính trong phòng sáng tạo, đưa ra phương hướng và dẫn dắt các thành viên khác.
  • Art Director: Đây là cấp bậc cao nhất trong công ty của ngành thiết kế đồ họa. Art Director chịu trách nhiệm trực tiếp chỉ đạo và giám sát đội ngũ thiết kế để hoàn thành công việc, dự án. Họ có nhiệm vụ định hình, tiên phong về phong cách lẫn hình ảnh sản phẩm.

 

Ngoài ra, nhiều Graphic Designer lựa chọn làm tự do hoặc nhận thêm công việc bán thời gian, cộng tác ngoài giờ. Đây là công việc phù hợp với những bạn không ưa sự gò bó và thích làm việc độc lập, cá nhân, có phong cách sáng tạo riêng, có mối quan hệ rộng. Vì Graphic Design Freelancer hoàn toàn có thể làm việc tự do, tự chủ về thời gian và không gian. Ngoài ra, bạn cũng có thể trở thành đối tác của các nhà cung cấp dịch vụ về thiết kế. 

Nhìn chung, mức lương trung bình thiết kế đồ họa gần như không giới hạn, phụ thuộc vào kinh nghiệm, trình độ chuyên môn và sự chăm chỉ của từng người. Điều quan trọng nhất mà các bạn cần quan tâm chính là lựa chọn cho mình một môi trường học tập phù hợp với định hướng của bản thân, có chương trình đào tạo chất lượng và bằng cấp có giá trị thực sự trong ngành.


Tags: