Ngành học

Tìm hiểu A - Z ngành Thiết kế công nghiệp: Xu hướng của hiện tại và tương lai

09/11/2021

Thiết kế của sản phẩm là yếu tố ngày càng được chú trọng để đáp ứng tối đa nhu cầu và trải nghiệm của người dùng trong cuộc sống hiện đại. Thiết kế công nghiệp là ngành làm điều đó!

Sản phẩm được đầu tư nghiên cứu về mặt thiết kế để đáp ứng yêu cầu thẩm mỹ bên cạnh công năng chính sẽ luôn giành được sự quan tâm và hưởng ứng từ người dùng. Đây là lý do khiến cho ngành Thiết kế công nghiệp ở Việt Nam sẽ luôn là ngành hot trong thời gian tới.

Ngành Thiết kế công nghiệp là gì?

Thiết kế công nghiệp (Industrial Design) hay còn được biết đến như Thiết kế sản phẩm (Product  Design) là một chuyên ngành của Mỹ thuật ứng dụng, đây là ngành kết hợp giữa nghệ thuật và khoa học công nghệ nhằm cải thiện tính thẩm mỹ, hình thái, chức năng và khả năng sử dụng của sản phẩm. 

 

Như vậy, Thiết kế công nghiệp không liên quan nhiều đến cơ khí, kỹ thuật công nghiệp như trong suy luận của một số bạn mà chủ yếu là mỹ thuật, kiểu dáng, tâm lý người dùng, đồ họa, công cụ đồ họa... Tóm lại, Thiết kế công nghiệp là ngành nghiên cứu, sáng tạo hình thức sản phẩm dựa trên chức năng, đối tượng sử dụng và công nghệ sản xuất của sản phẩm đó. Có thể nói, ngành này quyết định “diện mạo” của tất cả sản phẩm công nghiệp xung quanh chúng ta.

Các sản phẩm chính của ngành Thiết kế công nghiệp

Hầu hết sản phẩm phục vụ cho cuộc sống chúng ta đều là sản phẩm của Thiết kế công nghiệp, nói như vậy để có thể thấy được tầm quan trọng của ngành này đối với cuộc sống hiện đại. Các sản phẩm của ngành giờ đây không chỉ đòi hỏi về mặt công năng mà còn yêu cầu rất cao về mặt thẩm mỹ của thiết kế. Đây được xem là yếu tố cạnh tranh của các thương hiệu trên thị trường nhằm tăng mức độ nhận diện và chiếm giữ thị phần kinh doanh.

Có thể phân loại sản phẩm của ngành Thiết kế công nghiệp thành những nhóm sau (dựa trên các cách định nghĩa và phân chia, một số nhóm sản phẩm tại các quốc gia khác nhau có thể là một ngành thiết kế riêng biệt):

  • Sản phẩm máy công cụ và môi trường: các loại máy móc, thiết bị cầm tay sử dụng trong sản xuất như máy tiện, máy khoan, máy cưa, búa, tua vít, thiết bị bảo hộ lao động....
  • Sản phẩm gia dụng, hàng tiêu dùng: đồ dùng nhà bếp, đồ dùng văn phòng, thiết bị làm đẹp, đồ nội thất, thiết bị vệ sinh, thiết bị phòng tắm...
  • Phương tiện giao thông vận tải: phương tiện công cộng, ô tô, xe máy, máy bay, tàu thủy...
  • Sản phẩm công nghệ thông tin và giải trí: máy tính, điện thoại di động, máy nghe nhạc, loa...
  • Sản phẩm thiết bị y tế: máy, thiết bị hoặc hệ thống thiết bị đồng bộ phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, phục hồi chức năng, nghiên cứu khoa học và đào tạo trong lĩnh vực y tế…

 

Tố chất và kỹ năng cần có để học ngành Thiết kế công nghiệp

Thiết kế công nghiệp là ngành sáng tạo, đòi hỏi bạn phải luôn nghĩ ra những ý tưởng độc đáo, khác biệt và thẩm mỹ để sản phẩm được khách hàng yêu thích, đón nhận và tạo dấu ấn trên thị trường. Nếu muốn trở thành nhà thiết kế sản phẩm công nghiệp, bạn cần những tố chất sau:

  • Đam mê sáng tạo, đây là kỹ năng quan trọng nhất của nhà thiết kế, sự sáng tạo và nhạy bén với cái mới là yếu tố tiên quyết trong việc tạo nên ý tưởng.
  • Tư duy thẩm mỹ tốt.
  • Có góc nhìn đa chiều về các sự vật xung quanh.
  • Cẩn thận và tỉ mỉ trong mọi việc.
  • Nhạy bén với xu hướng thị trường và sở thích của người dùng.

 

Bên cạnh những tố chất trên, bạn còn cần đáp ứng được các kỹ năng sau:

  • Kỹ năng phân tích: Kỹ năng này được sử dụng để xác định và phân tích hành vi, nhu cầu của đối tượng khách hàng mục tiêu trước khi thiết kế sản phẩm. 
  • Kỹ năng vẽ tay, phác thảo: Bạn cần phác thảo những ý tưởng thiết kế ban đầu, những ý tưởng này được sử dụng sau này để tạo ra nguyên mẫu sản phẩm. Như vậy, nhà thiết kế phải có khả năng thể hiện thiết kế thông qua hình ảnh minh họa, có thể là bản vẽ phác trên giấy hoặc bằng sự hỗ trợ của các công cụ digital.
  • Kỹ năng tin học: Việc sử dụng các phần mềm thiết kế chuyên nghiệp là yêu cầu bắt buộc của nhà thiết kế, trong quá trình làm việc, bạn buộc phải sử dụng và phối hợp nhiều phần mềm với nhau để hoàn thiện bản thiết kế sản phẩm của mình.
  • Kỹ năng giải quyết vấn đề: Sẽ có rất nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình thiết kế sản phẩm đòi hỏi nhà thiết kế phải đưa ra giải pháp xử lý nhanh chóng liên quan đến nhu cầu, nguyên vật liệu, chi phí sản xuất, các vấn đề có thể phát sinh cần dự báo trước ở khâu sản xuất...

Mã ngành, khối thi & xét tuyển

Mã ngành Thiết kế công nghiệp: 7210402

Ngành Thiết kế công nghiệp xét tuyển các tổ hợp môn sau:

  • H00: Ngữ văn, Năng khiếu vẽ nghệ thuật 1, Năng khiếu vẽ nghệ thuật 2
  • H01: Toán, Văn, Vẽ mỹ thuật
  • H02: Toán, Vẽ hình họa mỹ thuật, Vẽ trang trí màu
  • H03: Toán, KHTN, Vẽ năng khiếu
  • H04: Toán, Anh, Vẽ năng khiếu
  • H05: Văn, KHXH, Vẽ năng khiếu
  • H06: Văn, Anh, Vẽ mỹ thuật
  • H07: Toán, Hình họa, Trang trí
  • A00: Toán, Vật líHóa học
  • A01: Toán, Vật lí và Tiếng Anh
  • D01: Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh

Điểm chuẩn của ngành Thiết kế công nghiệp của các trường đại học trong kỳ tuyển sinh năm 2021 dao động trong khoảng từ 17 - 24.5 điểm (thang điểm 30), tùy thuộc vào điểm các môn xét theo kỳ thi THPT Quốc gia hoặc xét theo học bạ cộng với điểm thi môn năng khiếu.

Các trường đào tạo ngành Thiết kế công nghiệp chất lượng

Ngành Thiết kế công nghiệp được đào tạo tại nhiều trường trên khắp cả nước. Mỗi trường sẽ có những ưu điểm và đặc điểm riêng phù hợp với điều kiện của mỗi bạn, dưới đây là một số lựa chọn mà các bạn có thể tham khảo nhé:

  • Miền Bắc: Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, Đại học Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội, Viện Đại học Mở Hà Nội.
  • Miền Nam: Đại học Kiến trúc TP.HCM, Đại học Văn Lang, Đại học Tôn Đức Thắng, Đại học Công nghệ Sài Gòn, Đại học Trà Vinh.

Bên cạnh việc tìm tìm hiểu thật nhiều các thông tin liên quan đến ngành học mà bạn đang có ý định theo đuổi, thì việc làm thêm các bài trắc nghiệm nghề nghiệp như Holland và tham gia Chương trình giáo dục hướng nghiệp của Rightpath.edu.vn cũng là gợi ý hay để kiểm tra và đánh giá lại mức độ phù hợp của bản thân với nghề nghiệp tương lai đấy.


Tags:
Thiết kế công nghiệp