Ngành học

Giải đáp 101 thắc mắc xoay quanh ngành Ngôn ngữ học

18/11/2021

Ngành Ngôn ngữ học có ích lợi gì mà đông đảo thí sinh đăng ký đến nỗi điểm chuẩn năm nào cũng cao ngất ngưởng như thế?

Ngôn ngữ học đang “lên ngôi” và thu hút đông đảo thí sinh. Phổ biến là vậy nhưng không phải ai cũng hiểu rõ ngành học này chính xác là gì. Không ít người vẫn cho rằng nghiên cứu ngôn ngữ nhàm chán, lý thuyết và không có nhiều ứng dụng thực tế. Sự thật đây là ngành học năng động bởi ngôn ngữ là sinh ngữ, luôn thay đổi và có nhiều điều thú vị để nghiên cứu. Rightpath.edu.vn đã tổng hợp những thắc mắc thường gặp nhất xoay quanh ngành Ngôn ngữ học cũng như câu trả lời đầy đủ, chính xác trong bài viết bên dưới.

Ngành Ngôn ngữ học là gì?

Ngôn ngữ học (tên tiếng Anh là Linguistics) là ngành đào tạo chuyên sâu về ngôn ngữ. Không riêng tiếng nói, bạn còn được học các hình thức biểu hiện khác nhau của ngôn ngữ: ngôn ngữ ký hiệu, ngôn ngữ cơ thể, ngôn ngữ học được, ngôn ngữ y học… Ngoài ra, ngành học còn cung cấp cái nhìn toàn cảnh về hoàn cảnh ra đời các ngôn ngữ, lịch sử phát triển và tiến hóa của ngôn ngữ theo từng thời kỳ. Rất thú vị và không hề nhàm chán.

 

Ở nước ta, ngành Ngôn ngữ học không chỉ có mục tiêu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao mà còn là ngành thúc đẩy niềm đam mê của sinh viên đối với tiếng Việt, với văn hóa lịch sử đất nước và cả ngôn ngữ các dân tộc thiểu số...

Ngôn ngữ học có dạy ngoại ngữ không?

Học Ngôn ngữ học không phải học ngoại ngữ. Hay nói đúng hơn, Ngôn ngữ học không chỉ có ngoại ngữ dù ngoại ngữ là một phần quan trọng trong ngành học này. Người theo ngành Ngôn ngữ học nên học thêm ngoại ngữ thứ hai, thậm chí thứ ba. Việc so sánh đối chiếu giữa ngôn ngữ khác với tiếng Việt giúp bạn mở các cánh cửa bí mật của lâu đài Ngôn ngữ học.

Cụ thể hơn, ngành Ngôn ngữ học dạy bạn một số môn như sau: Ngôn ngữ học đối chiếu, Ngữ âm học và Từ vựng học tiếng Việt, Lịch sử tiếng Việt, Phương ngữ học tiếng Việt, Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số Việt Nam, Ngôn ngữ và thực hành báo chí, Từ điển học và việc biên soạn từ điển tiếng Việt...

Mục tiêu của ngành Ngôn ngữ học là gì? 

Mục tiêu đào tạo ngành Ngôn ngữ học là sinh viên được trang bị đầy đủ kiến thức đại cương về khoa học xã hội và nhân văn. Người học nắm rõ kiến thức chuyên ngành Ngôn ngữ học, có hiểu biết về ngôn ngữ và văn hóa các dân tộc ở Việt Nam đủ để làm việc hoặc tiếp tục nghiên cứu chuyên sâu.

Ngoài ra, sinh viên cũng được rèn luyện các kỹ năng nghề nghiệp như quan sát, phân tích tổng hợp các vấn đề thuộc khoa học ngôn ngữ, kỹ năng trình bày và soạn thảo văn bản. Cử nhân khi ra trường có nền tảng vững chắc, có thể tiếp tục học cao hơn ở bậc thạc sĩ của ngành hoặc các ngành có liên quan.

Các chuyên ngành chính của ngành Ngôn ngữ học hiện nay gồm: 

  • Ngôn ngữ học.
  • Ngôn ngữ học ứng dụng.
  • Việt ngữ học.
  • Ngôn ngữ các dân tộc thiểu số ở Việt Nam.
  • Việt ngữ học cho người nước ngoài.

 

Học Ngôn ngữ học ở đâu?

Mã ngành Ngôn ngữ học: 7229020, xét tuyển theo các tổ hợp C00, C14, C19 và D01, D04, D06, D14, D78, D83. Nếu có mong muốn theo đuổi ngành học thú vị này, bạn có thể lựa chọn một trong số các trường sau:

  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Trường Đại học Khoa học - Đại học Huế.
  • Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia TP.HCM.

Như chúng tôi đã đề cập, điểm chuẩn ngành này không hề thấp, dao động trong khoảng 23,5 - 26,8 năm 2021 tùy theo khối thi. Đây là con số khá cao, đặc biệt với các ngành học thuộc khối xã hội. Bạn nên cân nhắc thật kỹ để chọn cơ sở đào tạo phù hợp.

Tố chất cần thiết để theo đuổi Ngôn ngữ học?

Thắc mắc phổ biến khác của hầu hết các bạn học sinh là mình có hợp với ngành Ngôn ngữ học hay không. Để theo học tốt ngành này, bạn sẽ cần một số tố chất như:

  • Khả năng phân tích, tổng hợp và trình bày thông tin tốt.
  • Yêu thích học ngôn ngữ mới, bạn sẽ học cơ bản về nhiều ngôn ngữ khác nhau như tiếng Nga, Hoa, Pháp, Anh… tùy chương trình mỗi trường.
  • Tư duy logic tốt - Ngôn ngữ học không hề là ngành chỉ toàn văn chương lai láng đâu nhé.
  • Yêu thích tìm tòi kiến thức về xã hội, văn hóa, lịch sử Việt Nam.
  • Ngoại ngữ tốt, đây là điều rất quan trọng bởi các khối thi đều yêu cầu ngoại ngữ.
  • Chăm chỉ, kiên nhẫn và cẩn trọng trong công việc.
  • Có thói quen đọc sách báo, đặc biệt là đọc sách phê bình, tài liệu nghiên cứu.

 

Mong rằng thông tin chi tiết và chính xác trên đây đã giúp các bạn học sinh lẫn phụ huynh có cái nhìn toàn diện và công tâm hơn với Ngôn ngữ học. Hẳn bạn cũng thấy được việc ngành học này có điểm chuẩn cao không phải không có lý do. Nếu bạn vẫn còn thắc mắc thì Rightpath.edu.vn luôn sẵn sàng hỗ trợ giải đáp nhé.


Tags: