Ngành học

Cơ hội làm việc mới khi theo đuổi ngành Giáo dục đặc biệt

07/11/2021

Giáo dục đặc biệt được biết đến là một trong số những ngành còn khá mới tại Việt Nam. Tuy nhiên ngành này lại nhận được rất nhiều sự quan tâm và là lựa chọn của rất nhiều bạn trẻ. 

Trong bối cảnh nguồn nhân lực chuyên môn còn đang rơi vào tình trạng thiếu hụt trầm trọng thì đây chắc chắn là cơ hội việc làm mới dành cho cách bạn trẻ theo học ngành này. Vậy cụ thể học ngành Giáo dục đặc biệt ra trường sẽ làm gì? Những tố chất cần có để theo đuổi ngành này là như thế nào? Mọi thắc mắc của bạn sẽ được bật mí qua bài viết dưới đây!

Cơ hội việc làm sau tốt nghiệp

Sau khi hoàn thành chương trình học ngành Giáo dục đặc biệt, ra trường các bạn sinh viên có thể bắt đầu với những công việc sau:

  • Giáo viên tại các trường học, cơ sở giáo dục đặc biệt, đảm nhận công việc giáo dục, dạy dỗ trẻ khuyết tật, chậm phát triển có thể nhanh chóng hòa nhập với cộng đồng cũng như có cơ hội học tập và phát triển toàn diện.
  • Giáo viên hỗ trợ học sinh khiếm thính, khiếm thị.
  • Giảng viên tại các trường đại học, cao đẳng giảng dạy về lĩnh vực giáo dục đặc biệt. 
  • Chuyên viên giáo dục đặc biệt tại các cơ sở giáo dục, phòng đào tạo cùng các trung tâm hỗ trợ trẻ em khiếm khuyết.
  • Cán bộ nghiên cứu tại các cơ quan tư vấn thực thi, tuyên truyền, đào tạo tại các cơ sở giáo dục đặc biệt.
  • Cán bộ nghiên cứu tại các cơ quan nghiên cứu về giáo dục; cán bộ tư vấn về giáo dục đặc biệt trong các tổ chức chính trị, văn hóa, xã hội, đoàn thể, doanh nghiệp, trung tâm, tổ chức quốc tế đang hoạt động tại Việt Nam.
  • Tham gia công tác tại các tổ chức tình nguyện, phi chính phủ hỗ trợ trẻ em đặc biệt.

 

Thu nhập của giáo viên ngành Giáo dục đặc biệt

Giáo viên ngành Giáo dục đặc biệt tại các cơ sở giáo dục chuyên biệt có mức lương trung bình từ 5 - 7 triệu đồng/tháng. Ngoài mức lương này, giáo viên còn được chi trả thêm những khoản phụ cấp khác. 

Việc tính chế độ phụ cấp trách nhiệm công việc, phụ cấp ưu đãi đối với giáo viên chuyên trách giảng dạy trẻ khuyết tật quy định tại khoản 1 và khoản 3, Điều 8, Nghị định số 113/2015/NĐ-CP - quy định phụ cấp đặc thù, phụ cấp ưu đãi, phụ cấp trách nhiệm công việc và phụ cấp nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với nhà giáo trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập.

 

Giáo viên dạy phổ thông và giáo viên dạy trường chuyên biệt có chế độ đều như nhau, nhưng theo nghị định này, giáo viên dạy trường phổ thông được hưởng phụ cấp 35%, giáo viên dạy trường chuyên biệt hưởng 70% (đối với bậc tiểu học).

Ngoài ra, mức thu nhập của những người làm việc trong ngành Giáo dục đặc biệt có thể cao hơn tùy thuộc vào năng lực, kinh nghiệm, đôi khi cần năng lực ngoại ngữ. 

Để thành công với nghề này cần có những kỹ năng gì?

Để gắn bó được với công việc Giáo dục đặc biệt thì bằng cấp, trình độ mới chỉ là điều kiện cần, quan trọng hơn là giáo viên phải tâm huyết với nghề, yêu trẻ như con ruột của mình, bởi từ lý thuyết tới thực tiễn là cả một khoảng cách vô cùng dài. Chỉ có tình yêu thương, sự kiên trì mới có thể giúp được những đứa trẻ đặc biệt hòa nhập với cuộc sống bình thường. Nếu giáo dục đặc biệt mà không dùng đến những tình cảm đặc biệt thì chặng đường đồng hành cùng các em sẽ có vô vàn những khó khăn và chông gai. Dưới đây là một số tố chất, kỹ năng quan trọng mà một người làm việc ngành Giáo dục đặc biệt phải có:

  • Dạy một học sinh bình thường đã khó, dạy một trẻ khuyết tật còn khó khăn hơn gấp nhiều lần. Do đó, muốn trở thành một giáo viên tốt, điều đầu tiên là phải yêu nghề, mến trẻ.
  • Dạy trẻ khuyết tật đòi hỏi người giáo viên phải kiên trì, nhẫn nại và luôn rèn giũa cho bản thân mình sự nhã nhặn, bao dung, thông cảm, chia sẻ. Theo đó, giáo viên dạy trẻ khuyết tật, không đơn thuần là những giáo viên dạy chữ mà còn là người cha, người mẹ, người bạn đồng hành cùng những trẻ không được may mắn. Tâm huyết với nghề, có đạo đức và tấm lòng lương thiện cũng là những đức tính được đề cao trong ngành.

 

  • Để giúp trẻ giao tiếp, học tập đạt kết quả cao, giáo viên cần tôn trọng nhu cầu của trẻ; không ngừng động viên, khích lệ và khen ngợi trẻ.
  • Chăm chú lắng nghe khi chuyện trò với trẻ, lựa chọn cách nói phù hợp với đặc điểm của trẻ, kết hợp giữa lời nói và cử chỉ điệu bộ để tạo ra sự hấp dẫn, luôn vui vẻ hòa nhã trong giao tiếp để tạo tâm thế thoải mái, tự nhiên nhất cho trẻ.
  • Có tinh thần trách nhiệm trong công việc, lối sống lành mạnh, trung thực, giản dị, biết đoàn kết, hợp tác và khiêm tốn học hỏi.

Hy vọng bài viết đã mang tới cho bạn đọc nhiều thông tin bổ ích về ngành Giáo dục đặc biệt. Ngoài ra, các bạn cũng có thể tham gia Chương trình giáo dục hướng nghiệp cùng Rightpath.edu.vn hoàn toàn miễn phí để được các chuyên gia tư vấn hỗ trợ bạn hiểu rõ hơn về bản thân và định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp hơn nhé!


Tags: