Ngành học

Đông phương học - Ngành học cho những trái tim yêu phương Đông

10/11/2021

Nếu bạn trót yêu văn hóa phương Đông thì Đông phương học chính là lựa chọn lý tưởng dành cho bạn - một ngành học không chỉ cung cấp kiến thức mà còn mang đến nhiều trải nghiệm thú vị khó quên. 

Ngành Đông phương học là gì? 

Đông phương học tiếng Anh là Oriental Studies, ngành thuộc về khoa học xã hội, được lập ra với mục tiêu nghiên cứu chuyên sâu về con người, lịch sử, địa lý, văn hóa, nền kinh tế… các nước phương Đông như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Triều Tiên, Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ (hiện nay là cả Úc), các nước Đông Nam Á nói chung. Vậy cho nên, chương trình đào tạo ngành Đông phương học của hầu hết các trường đại học đều hướng đến cung cấp cho sinh viên kiến thức đặc sắc về những nền văn hóa lớn như Nhật Bản, Hàn Quốc, khu vực Đông Á, Đông Nam Á. Song song đó là rèn luyện kỹ năng ngôn ngữ thứ 2, thứ 3 (như tiếng Thái Lan, Hàn Quốc, Nga, Pháp….) cho sinh viên, xem đây như là công cụ cần thiết để tìm hiểu sâu về các nền văn hóa.  

 

Có thể kể đến một số môn học thú vị mà bạn sẽ được học khi theo ngành Đông phương học như: Địa lý và dân cư, Văn hóa - Xã hội, Văn học - Kinh tế - Lịch sử (Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc), Nghiệp vụ ngoại giao, Nghiệp vụ ngoại thương, Nghiệp vụ du lịch, Ấn Độ học, Trung Quốc học, Thái Lan học…

Đông Phương học - Ngành học có nhiều cơ hội phát triển

Học khối nào để thi vào ngành Đông phương học?

- Mã ngành Đông phương học: 7310608.

- Các tổ hợp môn xét tuyển vào ngành Đông phương học:

A00: Toán, Vật lý, Hóa học.

A01: Toán, Vật lý, Tiếng Anh.

C00: Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý.

D01: Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh.

D02: Ngữ văn, Toán, Tiếng Nga.

D03: Ngữ văn, Toán, Tiếng Pháp.

D04: Ngữ văn, Toán, Tiếng Trung.

D05: Ngữ văn, Toán, Tiếng Đức.

D06: Ngữ văn, Toán, Tiếng Nhật.

D14: Ngữ văn, Lịch sử, Tiếng Anh.

D15: Ngữ văn, Địa lý, Tiếng Anh.

D80: Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Nga.

D81: Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Nhật.

D82: Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Pháp.

D83: Ngữ văn, Khoa học xã hội, Tiếng Trung.

 

Điểm chuẩn ngành Đông phương học trong 4 năm gần nhất 

Trong năm 2017, mức điểm chuẩn của ngành Đông phương học là từ 15,25 – 28,7 điểm. Năm 2018, điểm chuẩn ngành dao động từ 13 – 27,25 điểm. Năm 2019, điểm chuẩn là từ 13 – 28,5 điểm. Năm 2019, điểm chuẩn là từ 13 – 28,5 điểm. Năm 2020, điểm chuẩn là từ 15 – 29,75 điểm. Số điểm này là tùy các môn học xét theo học bạ hoặc các tổ hợp môn xét theo kết quả thi trung học phổ thông quốc gia.

Nếu bạn vẫn chưa biết điều gì là phù hợp với bản thân mình và nên chọn hướng đi nào, hãy tham gia Chương trình giáo dục hướng nghiệp cùng Rightpath.edu.vn hoàn toàn miễn phí. Chương trình có sự tham gia của các giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp sẽ đồng hành cùng bạn để giúp tìm ra hướng đi đúng cho bản thân mình.

Các trường đào tạo ngành Đông phương học

Cùng với sự du nhập của các nền văn hóa Hàn Quốc, Thái Lan, Nhật Bản… ngày càng mạnh mẽ vào Việt Nam trong những năm vừa qua, ngành Đông phương học theo đó cũng thu hút thêm sự quan tâm và theo học của nhiều bạn trẻ. Đây chính là lý do khiến cho ngành học tưởng như kén người học này lại ngày càng được mở ra trên khắp 3 miền Bắc – Trung – Nam. 

Khu vực miền Bắc:

  • Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khu vực miền Trung:

  • Đại học Khoa học - Đại học Huế.
  • Đại học Ngoại ngữ - Đại học Đà Nẵng.
  • Đại học Quy Nhơn.
  • Đại học Thái Bình Dương.

Khu vực miền Nam:

  • Đại học Công nghệ TP.HCM.
  • Đại học Ngoại ngữ - Tin học TP.HCM.
  • Đại học Văn Lang.
  • Đại học Lạc Hồng.
  • Đại học Văn Hiến.
  • Đại học Cửu Long.

 

Học Đông phương học ra làm gì?

Có thể nói cơ hội việc làm cho sinh viên ngành Đông phương học rất rộng mở. Sau khi ra trường hay thậm chí ngay cả khi đang học, các bạn có thể công tác trong lĩnh vực liên quan đến lịch sử, chính trị, văn hóa, kinh tế, ngôn ngữ... gắn với chuyên ngành mà mình theo học. Tốt nghiệp với tấm bằng Cử nhân Đông phương học, các bạn sinh viên có thể đảm nhận các vị trí như:

  1. Làm việc tại văn phòng ngoại giao trong vai trò cán bộ phụ trách các mảng liên quan đến lĩnh vực lịch sử, văn hóa, xã hội, ngoại giao.
  2. Chuyên viên ngoại giao, quan hệ quốc tế trong các tổ chức/ công ty.
  3. Phiên dịch viên, giao dịch viên, hướng dẫn viên.
  4. Giảng viên ngoại ngữ, giảng dạy và nghiên cứu về lịch sử, văn hóa phương Đông.
  5. Học thêm một bằng về kỹ năng sư phạm, sinh viên có thể tham gia dạy tiếng Nhật, tiếng Hàn tại các trường đại học, cao đẳng, trung tâm ngoại ngữ, công ty xuất khẩu lao động.
  6. Du học sau đại học tại các nước theo chuyên ngành mình học, sau đó có thể làm việc ở các trung tâm, viện nghiên cứu Nhật Bản, Hàn Quốc trong và ngoài nước.
  7. Làm việc tại các công ty Nhật Bản, Hàn Quốc trong và ngoài nước với các vị trí như trợ lý, thư ký, nhân sự. 
  8. Đầu quân cho các công ty du lịch/ hàng không với vai trò hướng dẫn viên du lịch, quản lý nhà hàng, khách sạn, tiếp viên hàng không.
  9. Làm MC, biên tập viên truyền hình, tổ chức sự kiện, truyền thông báo chí.
  10. Gia nhập các tổ chức quốc tế, phi chính phủ…

Tags: