Ngành học

Lý do bạn nên theo học ngành Công nghệ sinh học

10/11/2021

Trong bối cảnh các quốc gia đua nhau phát triển lĩnh vực công nghệ sinh học, ngành Công nghệ sinh học trở thành ngành học hấp dẫn, thu hút nhiều bạn trẻ quan tâm theo học hiện nay. 

Vậy ngành Công nghệ sinh học là gì? Chương trình đào tạo và tính ứng dụng của công nghệ sinh học trong đời sống ra sao? Bài viết dưới đây chia sẻ một số thông tin cơ bản về ngành Công nghệ sinh học để giúp bạn đưa ra lựa chọn có nên học ngành này không nhé.

Công nghệ sinh học là gì?

Công nghệ sinh học là ngành nghiên cứu và vận dụng sinh vật sống kết hợp với quy trình, thiết bị kỹ thuật để tạo ra sản phẩm và sản xuất ở quy mô công nghiệp với các sản phẩm sinh học phục vụ cho lợi ích của con người, đồng thời phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường.

 

Ngành Công nghệ sinh học đào tạo những gì?

Chương trình đào tạo ngành Công nghệ sinh học trang bị cho sinh viên những kiến thức cơ bản về: nguyên lý và quá trình sinh học đại cương, lý thuyết cơ sở về sinh học thực nghiệm, nội dung cơ bản về công nghệ sinh học để ứng dụng vào các vấn đề trong sinh học và công nghệ sinh học. Đồng thời, sinh viên cũng được trao truyền những kỹ năng thực hành nghề nghiệp cần thiết như thu thập mẫu, đo đạc và tổng hợp, phân tích số liệu, sử dụng phương pháp thí nghiệm hiện đại của Công nghệ sinh học.

Các chuyên ngành của Công nghệ sinh học gồm: Công nghệ vi sinh, Công nghệ tế bào, Công nghệ mô - protein - enzym và kỹ thuật di truyền, Công nghệ sinh học nông nghiệp, Công nghệ sinh học công nghiệp, Công nghệ sinh học môi trường, Công nghệ sinh học thực phẩm, Công nghệ sinh học y dược, Công nghệ tin - sinh học.

Ứng dụng của Công nghệ sinh học trong đời sống

Trong nông nghiệp, Công nghệ sinh học được nghiên cứu để ứng dụng trong việc ứng dụng công nghệ vi sinh nhằm cải thiện hệ thống tiêu hóa, nâng cao năng suất vật nuôi; phát triển các giống cây trồng biến đổi gen, tăng sức đề kháng của cây đối với sâu bệnh và cỏ dại… Điều này góp phần mang đến cơ hội tiếp cận nguồn thực phẩm phong phú, bổ dưỡng và thu nhập cao hơn cho người dân cũng như bảo vệ môi trường đất và nước nhờ việc giảm sử dụng thuốc trừ sâu, chất hóa học. 

Việc nghiên cứu, chủ động sản xuất vaccine giúp tăng cường khả năng miễn dịch của con người chống lại các tác nhân gây bệnh nguy hiểm như SARS, cúm gia cầm, virus viêm gan hay chế phẩm sinh học hỗ trợ điều trị bệnh... chính là những thành tựu của Công nghệ sinh học trong lĩnh vực dược học. Không những vậy, Công nghệ sinh học còn được ứng dụng trong lĩnh vực y học nhằm hỗ trợ trong việc chẩn đoán và điều trị bệnh lý, chẳng hạn như nghiên cứu và phát triển kỹ thuật xét nghiệm hệ gen con người giúp chẩn đoán sớm và tư vấn về bệnh di truyền trước sinh, hay kết hợp với nghiên cứu công nghệ tế bào gốc và các ứng dụng trong dược học nhằm hỗ trợ hiệu quả trong điều trị ung thư, giảm chi phí và kéo dài cuộc sống cho bệnh nhân.Các khối thi vào ngành Công nghệ sinh học

- Mã ngành: 7420201.

- Ngành Công nghệ sinh học xét tuyển các tổ hợp môn sau:

  • A00: Toán - Vật lý - Hóa học.
  • B00: Toán - Hóa học - Sinh học.
  • B03: Toán - Sinh học - Ngữ văn.
  • D08: Toán - Sinh học - Tiếng Anh.
  • A01: Toán - Vật lý - Tiếng Anh.

 

Học ngành Công nghệ sinh học ở đâu? 

  • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia Hà Nội.
  • Đại học Khoa học Tự nhiên – Đại học Quốc gia TP.HCM.
  • Đại học Bách khoa Hà Nội.
  • Đại học Bách khoa TP.HCM.
  • Đại học Nông Lâm TP.HCM.
  • Đại học Cần Thơ.
  • Đại học Nông nghiệp Việt Nam.
  • Đại học Mở TP.HCM.

Lý do bạn nên chọn học ngành Công nghệ sinh học 

Nếu bạn yêu thích nghiên cứu, khám phá những điều mới mẻ liên quan đến Công nghệ sinh học như xây dựng công cụ chẩn đoán bệnh, tìm hiểu nguyên nhân gây nên bệnh như ung thư, ứng dụng tế bào gốc trong điều trị, tạo giống cây trồng mới, nghiên cứu công nghệ sản xuất thuốc… thì hẳn ngành Công nghệ sinh học phù hợp với bạn.

Với ngành Công nghệ sinh học, nếu mong muốn một công việc kỹ thuật viên trong phòng thí nghiệm với máy móc, thiết bị thì bạn có thể thỏa sức chọn lựa những cơ hội nghề nghiệp đa dạng từ quản lý chất lượng sản phẩm như dược, lương thực, thực phẩm... cho đến xét nghiệm trong các phòng khám, bệnh viện.

Còn nếu yêu thích sinh học và cũng có “máu” kinh doanh thì ngành Công nghệ sinh học sẽ tạo cơ hội để bạn trang bị cho mình những kiến thức cần thiết. Vì một ngành có tốc độ phát triển và nhu cầu cao như Công nghệ sinh học thì các sản phẩm, thiết bị, công cụ phục vụ cho ngành sẽ rất nhiều. Do đó, nhu cầu nhân viên kinh doanh, tư vấn, marketing... có kiến thức về lĩnh vực Công nghệ sinh học cũng sẽ rất cao.

 

Với sự hấp dẫn trong chương trình đào tạo và ứng dụng đa dạng của ngành Công nghệ sinh học trong đời sống, chắc hẳn các bạn đã tự tin hơn về lựa chọn cho bản thân. Hy vọng bài viết đã đem đến những thông tin hữu ích cho bạn.

Nếu bạn vẫn chưa biết điều gì là phù hợp với bản thân mình và nên chọn hướng đi nào, hãy tham gia Chương trình giáo dục hướng nghiệp cùng Rightpath.edu.vn hoàn toàn miễn phí. Chương trình có sự tham gia của các giáo viên giàu kinh nghiệm, tâm huyết trong lĩnh vực tư vấn hướng nghiệp sẽ đồng hành cùng bạn để giúp tìm ra hướng đi đúng cho bản thân mình.
 


Tags: